07/02/2022 09:25 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Năm 2022, Việt Nam hồi phục mạnh mẽ

BẢO NGỌC  thực hiện
BẢO NGỌC thực hiện

TTO - Với kinh nghiệm, năng lực và khả năng ứng phó tốt với dịch bệnh, nền kinh tế sẽ mau chóng phục hồi trở lại trong năm 2022. Nhận định lạc quan này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG chia sẻ đầu năm với Tuổi Trẻ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Năm 2022, Việt Nam hồi phục mạnh mẽ - Ảnh 1.

Bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu tại cảng container quốc tế SP-ITC, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: TRUNG TUÂN

Ông Dũng nói:

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế. Tăng trưởng GDP 2,58%, xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục 668,5 tỉ USD (xuất siêu khoảng 4 tỉ USD), tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế dẫn đầu về thương mại quốc tế. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỉ USD, tăng hơn 9,2 tỉ USD so với năm 2020.

Phát triển những tập đoàn tư nhân mạnh

* Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022?

- Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên và khả năng chủ động sản xuất được vắc xin ngừa COVID-19, chúng ta sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vắc xin cho toàn dân, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng hồi phục trong 2022.

Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68 - 70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp (DN) và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Chúng ta cũng tăng cường khả năng phục hồi kinh tế thông qua hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội, áp dụng kỹ thuật số để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương...

* Có ý kiến cho rằng muốn đưa Việt Nam trở lại lộ trình tăng trưởng cao phải thúc đẩy vai trò khu vực kinh tế tư nhân...

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2030 đã đề ra quan điểm phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ họ đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng và phát triển các định chế tài chính hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ, hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất kinh doanh thành DN; thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Năm 2022, Việt Nam hồi phục mạnh mẽ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG

Giải pháp toàn diện hỗ trợ DN

* Các giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN sẽ được triển khai trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế 2022 - 2023 là gì, thưa ông?

- Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023.

Theo đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sẽ được thực thi, đó là: hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN như tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho DN; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho DN trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.

Chúng ta cũng hỗ trợ tái cấu trúc DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong DN; hỗ trợ họ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... Việc tái cấu trúc lao động, thu hút, đào tạo lại lao động... cũng được hỗ trợ.

Ngoài ra, sẽ rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng ta cũng định hướng công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế chính sách để định hướng cho DN đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh. Tạo điều kiện để DN tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công tư.

* Việt Nam sẽ làm gì trong cuộc đua thu hút đầu tư FDI?

- Năm 2021, thu hút đầu tư FDI đạt khoảng 31,15 tỉ USD. Đó là một thành công trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt, đặc biệt là giữa các quốc gia có điều kiện tương đồng như Ấn Độ, Indonesia.

Việt Nam sẽ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, sẽ chủ động lên danh sách các DN đang có quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư.

Những giải pháp để phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022

* Thực hiện tốt, an toàn chiến dịch bao phủ diện rộng vắc xin cho toàn dân.

* Kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ DN và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Đồng thời sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

* Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng... Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa. Khai thác tốt thế mạnh từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút và tận dụng tối đa dòng vốn FDI.

* Cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...

* Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.

* Thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, DN. Phải tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.

* Tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận của chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng "cát cứ" cản trở sản xuất kinh doanh.

Bà Ngô Tường Vy (phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu):

Mong chính quyền cùng đồng hành

Năm qua chúng tôi đã vượt qua được những thách thức, tiếp tục duy trì kim ngạch xuất khẩu tốt. Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi và người lao động đã phải nỗ lực hết sức, phải gồng mình.

Năm nay dịch bệnh sẽ còn khó lường. Mỗi doanh nghiệp sẽ có cách vận hành riêng. Chúng tôi mong muốn Chính phủ, địa phương cùng đồng hành với doanh nghiệp, cùng chia sẻ trách nhiệm và biện pháp phòng chống dịch phù hợp...

N.AN ghi

Đón lấy cơ hội để Việt Nam bứt tốc

Rất nhiều điểm sáng đã phác thảo nên bức tranh kinh tế VN 2022 tích cực, chúng ta đã sẵn sàng đón lấy những cơ hội để phục hồi và bứt tốc từ năm nay.

Dù là một trong sáu nước có tỉ lệ bao phủ vắc xin dẫn đầu thế giới, VN vẫn tiếp tục chiến dịch tiêm chủng mùa xuân để nâng tỉ lệ bao phủ mũi 2, mũi 3. Vắc xin đã làm cho chúng ta tự tin để mở cửa, học sinh trở lại trường, đường bay quốc tế được nối lại, du lịch tái khởi động, sản xuất khơi thông...

dukhach

Du khách quốc tế tham quan đường hoa Nguyễn Huệ, quận 1 (TP.HCM) vào chiều 5-2 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhiều tín hiệu lạc quan

Khi tỉ lệ bao phủ vắc xin ở VN tăng nhanh, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn "thích ứng", từ cuối năm 2021 cho đến nay đã thấy rõ rất nhiều tín hiệu lạc quan.

Thứ nhất, báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, trong đó các nền kinh tế tiên tiến chỉ đạt 3,8%, còn các nền kinh tế mới nổi và phát triển cũng còn mức 4,6% trong năm 2022. Tuy nhiên, VN đang ngấp nghé trong phạm vi của nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhưng lại được dự báo tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay. Điều này có nghĩa VN được đánh giá cơ hội tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung các nước và WB cũng lạc quan đối với tăng trưởng của VN khi năm 2023 được dự báo ở mức 6,5%.

Năm ngoái, dù tình hình trong nước và toàn cầu gặp khó, VN vẫn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỉ USD, tăng gần 23% so với năm trước và xuất siêu 4 tỉ USD. Trong đó, có 35 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, điều mà trước đây khó đạt được. Những con số trên cho thấy trong cuộc chơi hội nhập, chúng ta đang bắt nhịp tốt khi có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Điểm lại một vài số liệu trên để thấy rằng chúng ta bước vào 2022 với những nền tảng tích cực và bức tranh năm mới tương đối sáng.

Thứ hai, những công bố của Chính phủ đã cho thấy VN có quyết tâm lớn để mở cửa khi chúng ta có lộ trình rõ ràng để mở cửa du lịch quốc tế và nối lại đường bay quốc tế trong đầu năm nay, trong khi các quốc gia tiên tiến hay các nước trong khu vực như Singapore dù có dự tính nhưng chưa công bố lộ trình. Khi bầu trời mở cửa, du lịch khơi thông sẽ kéo theo hàng loạt ngành dịch vụ, kinh tế phục hồi. Rõ ràng vắc xin đã làm chúng ta tự tin hơn, sẵn sàng đón nhận những cơ hội phía trước.

Thứ ba, gói hỗ trợ lên đến 350.000 tỉ đồng cũng đã sẵn sàng để hỗ trợ các doanh nghiệp, giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển. Còn về phía doanh nghiệp, đại dịch đã giúp nâng năng lực quản trị rủi ro, doanh nghiệp Việt đã biết thích ứng nhanh với nghịch cảnh và quan trọng là doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm thế để xây dựng kế hoạch kinh doanh bền vững sau một năm đầy biến cố và khó khăn.

Năng lực quản trị phải tăng

Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi năng lực quản trị của Nhà nước cũng phải tăng lên, chú trọng hơn năng lực quản trị sự thay đổi, đặc biệt là quản lý về chính sách, năng lực thực thi để giảm bớt sự lãng phí, bất công bằng... Nhìn chung, từ trung ương đến các tỉnh thành đã có những chuyển biến rất tích cực về quản trị, cải cách hành chính, đơn cử TP.HCM đã bắt tay ngay vào việc hình thành trung tâm tài chính để nắm bắt cơ hội, tiếp tục khát vọng vươn lên đã chậm lại 2 năm do dịch. Hay TP cũng đẩy mạnh cải cách hành chính khi lập tổ cải cách hành chính do chủ tịch UBND TP đứng đầu, thi đua cải cách với doanh nghiệp.

Qua khó khăn mới thấy nghĩa đồng bào của đất nước lớn lao đến chừng nào. Hiếm khi chúng ta thấy được sự gắn kết, sẻ chia gánh nặng đối với Nhà nước, người dân lên cao đến như thế. Điều tích cực là sự gắn kết, liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương, các bộ ngành... sẽ tiếp nối, tạo nên một tâm thế lớn là mọi người đều đồng lòng vươn lên.

Do đó, bước vào năm 2022, tâm thế của VN không chỉ là phục hồi mà còn nắm bắt tốt cơ hội để phát triển, để bứt tốc. Đây là cơ hội để 100 triệu dân Việt cùng nắm bắt, cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng là cơ hội để thể hiện năng lực quản trị của Nhà nước trước những sự thay đổi.

Ông Đặng Thái Thiện (Cục Hải quan TP.HCM):

40 nhóm hàng xuất khẩu từ 1 tỉ USD

Năm 2021, xuất khẩu có tới 40 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó có 8 nhóm hàng đạt từ 10 tỉ USD trở lên.

Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng dương, thậm chí với thị trường Mỹ tăng 24,2%, xuất siêu 80,1 tỉ USD. Các nhóm hàng chủ lực có sự thay đổi đáng kể. Trước đây, nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu là những nhóm hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản hay là khoáng sản như than đá, dầu thô nhưng đang chuyển dần sang nhóm điện thoại, máy vi tính và linh kiện, và máy móc, thiết bị...

Sau 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA, những tín hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam từ những thị trường mới như xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng 25 - 30%/năm.

Tuy vậy, đánh giá của chúng tôi là mức độ tận dụng các ưu đãi từ FTA của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp, doanh nghiệp cần hỗ trợ tiếp cận FTA một cách thực chất hơn. Ngay như trong ASEAN, Việt Nam cũng có nhiều FTA khác nhau với các nước, những quy định để được ưu đãi thuế vì thế cũng khác nhau. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết thuế suất nào hay quy tắc xuất xứ nào thuận lợi nhất để chọn FTA phù hợp.

THÁI THIỆN ghi


PHẠM PHÚ NGỌC TRAI - NGỌC HIỂN ghi

Phát triển xanh là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Carolyn Turk - giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - đánh giá cao cam kết đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhận định phát triển xanh sẽ là yếu tố cạnh tranh của Việt Nam.

Tôi thấy ấn tượng về sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam sau nhiều đợt phong tỏa, trong đó đặc biệt là ngành sản xuất.

Carolyn Turk

Bà Carolyn Turk - giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Ấn tượng với sự phục hồi

Vài tháng qua, xuất khẩu và sản xuất tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Tôi kỳ vọng điều này sẽ còn kéo dài cho đến năm sau. Chúng ta cũng thấy những quyết sách của Chính phủ về gói kích thích kinh tế. Nếu dòng vốn được sử dụng hiệu quả thì sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những tuyên bố khá tham vọng tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là bước đi thông minh của Việt Nam, bởi những thị trường lớn đang ngày càng lo ngại về xả thải carbon tại các nhà máy ở Việt Nam.

Họ quan tâm về quần áo họ mặc hay sản phẩm ăn uống có được sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường không. Những yếu tố này sẽ sớm trở thành một phần của sự cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Bạn không chỉ cạnh tranh về giá mà còn về mô hình sản xuất xanh.

Việt Nam có thể suy nghĩ về việc tự đặt ra các tiêu chuẩn về thương hiệu xanh Việt Nam hoặc một hướng đi để khi nghĩ tới Việt Nam là thế giới không chỉ nghĩ tới một nơi sản xuất sản phẩm giá rẻ, có nền tảng chính trị ổn định và môi trường tốt để kinh doanh mà còn là nơi có công nghệ thân thiện với môi trường cùng các ngành sản xuất và dịch vụ xanh.

Việc đầu tư không nên chỉ nhìn vào ngắn hạn. Tôi cho rằng nên đầu tư vào chuyển đổi số và công nghệ xanh.

chuoi

Giá chuối xuất khẩu tăng mạnh vào dịp cuối năm đem lại lợi nhuận cao cho nông dân và công ty trồng chuối. Trong ảnh: sơ chế chuối xuất khẩu tại Công ty Hoàng Anh Gia Lai - Ảnh: TRẦN MẠNH

Thay đổi để thành nước có thu nhập cao

Một khía cạnh khác là tiếp tục thúc đẩy an sinh và trợ giúp xã hội. Việt Nam không còn là quốc gia của 20 năm trước. Trước hầu hết người nghèo đến từ nông thôn. Hiện nhiều người có thể không quá nghèo nhưng phụ thuộc kế sinh nhai vào các khu vực kinh tế phi chính thức. Nếu có một cú sốc với thị trường lao động thì sẽ gây tác động mạnh tới cuộc sống của họ. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để nghĩ về một hệ thống bảo trợ xã hội cho tương lai.

Tôi rất ấn tượng về tốc độ giảm nghèo ở Việt Nam - một trong những tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Con đường tăng trưởng trong quá khứ là sản xuất tay nghề thấp, vốn là động lực thúc đẩy xuất khẩu, ở một mức độ nào đó là khai thác tài nguyên... thì sẽ cần có một sự thay đổi để thành nước có thu nhập cao.

Tôi chúc các bạn sẽ kiểm soát được sự bất ổn trong năm tới bằng cách đưa ra những quyết định mạnh mẽ, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng và tạo cơ sở cho tăng trưởng trong tương lai.

Tôi cũng mong muốn rằng một quá trình chuyển đổi thực sự bắt đầu có thể đưa Việt Nam đi trên con đường mang lại tăng trưởng vững chắc để đạt được vị thế thu nhập cao vào năm 2045. Còn rất nhiều việc phải làm. Việt Nam cần năng suất cao hơn trong nền kinh tế, trình độ công nghệ cao hơn, cần sự chuyển đổi trong các kỹ năng sẵn có để tạo sức mạnh cho nền kinh tế. Đó chính là thách thức.


Chuẩn bị cho những tình huống khó đoán định

2022 sẽ là một năm khó đoán định. Tăng trưởng toàn cầu đã phục hồi khá tốt, nhưng chúng tôi dự báo sẽ có sự sụt giảm tăng trưởng ở các nước phát triển. Biến chủng Omicron chưa gây ra tác động lớn tại Việt Nam, nhưng tôi cho rằng đa phần nghĩ điều đó sẽ diễn ra.

Chúng ta cần thực tế rằng thế giới trong năm 2022 vẫn còn nhiều bất ổn nên phải chuẩn bị cho những tình huống khó đoán định. Ở nhiều nước, Omicron không gây ra những triệu chứng quá nghiêm trọng với những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin hoặc tiêm tăng cường. Điều này cho thấy Việt Nam đang ở vị thế tốt. Nếu Omicron xuất hiện, nền tảng tốt sẽ giúp hệ thống y tế không bị quá tải, có thể sẽ không gây tác động quá lớn tới nền kinh tế...

QUỲNH TRUNG - LAN HƯƠNG ghi

Việt Nam được dự báo tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực năm 2022 Việt Nam được dự báo tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực năm 2022

TTO - Nền kinh tế của các nước ASEAN + 3 (Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc) vẫn được kỳ vọng duy trì khả năng hồi phục trong năm 2022 bất chấp sự lây lan nhanh của biến chủng Omicron.

BẢO NGỌC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên