01/05/2024 11:35 GMT+7

Biểu tình chọn EU hay Nga, lãnh đạo phe đối lập Georgia bị đánh bầm mắt

Hình ảnh và video cho thấy cảnh sát Georgia dùng vòi rồng và hơi cay đẩy lùi người biểu tình. Một số người biểu tình vẫy cờ EU.

Hình ảnh lan truyền cho thấy cảnh sát Georgia dùng gậy, hơi cay đối phó với người biểu tình - Ảnh: AFP

Hình ảnh lan truyền cho thấy cảnh sát Georgia dùng gậy, hơi cay đối phó với người biểu tình - Ảnh: AFP

Tối 30-4 giờ địa phương, cảnh sát Georgia tại thủ đô Tbilisi đã sử dụng vòi rồng và hơi cay để ngăn làn sóng biểu tình của những người ủng hộ Liên minh châu Âu (EU).

Theo Politico, hàng ngàn người biểu tình đã tập trung trước Quốc hội Georgia, yêu cầu chính phủ nước này hủy bỏ luật "đại diện nước ngoài", một đạo luật bị phe đối lập mô tả như "phong cách Putin".

Hình ảnh và video cho thấy cảnh sát dùng vòi rồng và hơi cay đẩy lùi người biểu tình. Một số người biểu tình vẫy cờ EU.

Sau nhiều lần bị đẩy ra, người biểu tình quay lại tập trung ở khu vực trung tâm Rustaveli và đụng độ bạo lực với cảnh sát. Xe cứu thương sau đó đưa những người bị thương ra ngoài, còn cảnh sát bắt đi một số người.

Ít nhất một nhân vật cấp cao bên đảng đối lập tại Georgia bị bắt hôm 30-4. Trong khi đó trên mạng xã hội, Chủ tịch Levan Khabeishvili của Đảng Phong trào đoàn kết dân tộc (UNM) đối lập đăng video cho thấy ông này bầm tím một bên mắt, mũi sưng, gãy răng, bị trầy xước. 

Đảng UNM trước đó từng nói cảnh sát đã bắt ông Khabeishvili.

"Tôi không đau. Chấn thương mắt sẽ khỏi, chấn thương thân thể sẽ qua. Mọi thứ sẽ qua hết. Còn cuộc chiến chống lại những người theo chủ nghĩa Putin sẽ tiếp diễn", vị này nói.

Lãnh đạo đảng đối lập Georgia Levan Khabeishvili đăng hình ảnh bị thương trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Lãnh đạo đảng đối lập Georgia Levan Khabeishvili đăng hình ảnh bị thương trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Bạo lực đêm 30-4 đánh dấu bước leo thang lớn sau nhiều tuần biểu tình chống đề xuất của Đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền. Theo đó, luật mới buộc các tổ chức phi chính phủ, các nhóm vận động và báo chí phải đăng ký tư cách "đại diện nước ngoài" nếu họ nhận hơn 20% tài trợ từ nước ngoài.

Trong mắt những người phản đối, việc gắn mác "đại diện nước ngoài" này là bước đi nhằm trấn áp các luồng ý kiến đối lập.

Giữa thời điểm câu chuyện Nga hay EU nổi lên ở châu Âu, Georgia trở thành một ví dụ điển hình cho cuộc đấu tranh ý thức hệ chính trị bên cạnh đấu đá giữa các đảng.

Hiện nay, Georgia đã được trao quy chế ứng viên gia nhập EU. Những người ủng hộ EU khẳng định mọi chính sách phải phù hợp với "giá trị dân chủ của EU", và xem luật đại diện nước ngoài nêu trên là điều không phù hợp, đồng thời dẫn hình ảnh của Tổng thống Nga Putin như một cách thể hiện sự không phù hợp ấy.

Năm ngoái, Chính phủ Georgia đã đưa ra đề xuất trên, nhưng phải hủy bỏ vì gặp chỉ trích trong lẫn ngoài nước. Nhóm phản đối luật này cho rằng dự luật ấy khi được ban hành sẽ "đẩy Georgia khỏi con đường tiến tới EU, và đưa họ trở về với vòng tay nước Nga của ông Putin".

Sau cuộc biểu tình bạo lực mới nhất, Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili, người vốn phản đối việc đảng cầm quyền hối thúc ra mắt luật đại diện nước ngoài, kêu gọi Bộ Nội vụ Georgia "lập tức chấm dứt việc dùng vũ lực không cân xứng để giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa".

Về phần phương Tây, không khó hiểu khi họ đứng về phía phản đối luật mới của Georgia. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả luật trên là "lấy cảm hứng từ Điện Kremlin", khẳng định nó sẽ "hạn chế tự do biểu đạt, bêu xấu các tổ chức mang tới lợi ích cho nhân dân Georgia, và cản trở các tổ chức truyền thông hoạt động độc lập vốn mang lại cho người Georgia quyền tiếp cận thông tin chất lượng cao".

Hiện nay đảng cầm quyền Georgia nhấn mạnh quy định mới là cần thiết để bảo vệ chủ quyền, và dự kiến Quốc hội sẽ bỏ phiếu tán thành dự luật này.

Châu Âu tiếp tục miễn thuế thực phẩm Ukraine, nông dân Ba Lan biểu tìnhChâu Âu tiếp tục miễn thuế thực phẩm Ukraine, nông dân Ba Lan biểu tình

Ngày 20-3, nông dân Ba Lan xuống đường phản đối hàng hóa Ukraine được nhập khẩu miễn thuế, cùng các quy định chống biến đổi khí hậu mà EU áp đặt lên họ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên