15/07/2023 15:12 GMT+7

Bến xe loại 1 đầu tiên của Hải Phòng thành bãi chứa phế liệu: vội vàng khi phê duyệt dự án?

Sau khoảng 5 năm hoạt động cầm chừng, hiện bến xe Phía Bắc Hải Phòng ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên trở thành nơi chứa phế liệu.

Bến xe Phía Bắc Hải Phòng sau khoảng 5 năm hoạt động cầm chừng đã bị "chết yểu", không có một bóng hành khách nào lui tới - Ảnh: TIẾN THẮNG

Bến xe Phía Bắc Hải Phòng sau khoảng 5 năm hoạt động cầm chừng đã bị "chết yểu", không có một bóng hành khách nào lui tới - Ảnh: TIẾN THẮNG

Theo nhiều người dân xã Kênh Giang, từ năm 2018 đến nay, bến xe Phía Bắc Hải Phòng đã rơi vào tình trạng "chết yểu", trở thành nơi tập kết sắt thép phế liệu cũng như xe công trình của Công ty CP Tập đoàn Việt Úc.

Đây là bến xe đầu tiên đạt chuẩn loại 1 trong quy hoạch bến xe của Hải Phòng đến năm 2020, được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa do Công ty CP Tập đoàn Việt Úc đầu tư, quản lý.

Dự án có hai khu, trong đó khu vực đón trả hành khách rộng 2,4ha và khu vực đón trả hàng hóa, khu văn phòng cho thuê rộng 4ha. Theo kế hoạch, đây là mô hình bến xe khép kín với các dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính, dịch vụ sửa chữa phương tiện, ngân hàng…

Theo giới thiệu ban đầu, nhiều nhà xe chất lượng cao đăng ký vận chuyển hành khách hai chiều từ bến đến 62 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tuy nhiên, thực tế chỉ có một nhà xe đăng ký chạy tuyến Thủy Nguyên - Gia Lâm, mỗi ngày 2-3 chuyến. Nhưng vì hoạt động không hiệu quả nên chưa đầy ba năm, nhà xe này phải bán "lốt" cho hãng xe khác.

Hơn một năm sau, hãng xe khách mua lại lốt cũng buộc phải "bỏ của chạy lấy người", nói lời tạm biệt với bến xe này vì càng chạy càng thua lỗ do không có khách lẫn hàng hóa.

Tại đây, hiện chỉ có mình ông Nguyễn Đức Tĩnh (70 tuổi, trú xã Trịnh Xá, huyện Thủy Nguyên) được thuê làm bảo vệ trông nom. Ông Tĩnh cho biết đã làm bảo vệ tại bến xe này từ khi mới khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2013.

Bến xe này hiện chỉ còn hai người làm việc, gồm một quản lý và ông Nguyễn Đức Tĩnh phụ trách trông nom - Ảnh: TIẾN THẮNG

Bến xe này hiện chỉ còn hai người làm việc, gồm một quản lý và ông Nguyễn Đức Tĩnh phụ trách trông nom - Ảnh: TIẾN THẮNG

Thời gian đầu, có ba bảo vệ, nhưng sau khi không có hãng xe nào hoạt động tại bến thì giờ chỉ còn mình ông và ông Nguyễn Hữu Nghiệp là đại diện Công ty CP Tập đoàn Việt Úc đảm nhiệm quản lý bến.

Nói về sự "chết yểu" của bến xe Phía Bắc Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Lý (trú xã Kênh Giang) cho rằng TP Hải Phòng có phần vội vàng khi phê duyệt dự án mà không nghiên cứu, đánh giá kỹ thực tế.

Do nhu cầu đi lại của người dân địa phương thấp nên nhiều nhà xe từng đăng ký hoạt động tại bến liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ. Các hãng xe khác dù được đơn vị quản lý bến xe mời chào cũng như tạo nhiều điều kiện ưu đãi, nhưng cũng không mấy mặn mà.

Một cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thủy Nguyên cho biết bến xe Phía Bắc được xây dựng với mục đích giảm tải cho các bến xe trong nội thành và tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân, giảm lượng xe khách vào trung tâm thành phố để tránh ùn ứ, ách tắc giao thông.

Tuy nhiên, thói quen đón xe dọc đường và lượng hành khách quá ít dẫn tới bến xe hoạt động không hiệu quả, dần dần bị lãng quên.

Một góc trong khuôn viên bến xe thành nơi tập kết phế liệu - Ảnh: TIẾN THẮNG

Một góc trong khuôn viên bến xe thành nơi tập kết phế liệu - Ảnh: TIẾN THẮNG

Xe buýt Đà Nẵng đình trệ, giám đốc sở ra bến xe dàn xếp vụ việcXe buýt Đà Nẵng đình trệ, giám đốc sở ra bến xe dàn xếp vụ việc

Quá hẹn nhưng đơn vị khai thác tuyến xe buýt Đà Nẵng không trả lương, giám đốc các sở ngành ra bến xe để dàn xếp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên