02/09/2013 05:25 GMT+7

Bén duyên văn hóa Việt

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TT - “Chầm chậm thôi, đừng làm vỡ bánh, nó cũng biết đau đấy”, tiếng người đầu bếp trẻ hóm hỉnh vang lên, tiếp theo đó là những tràng cười vui vẻ từ một nhóm du khách nước ngoài đang học làm bánh xèo, nét mặt không giấu được vẻ hào hứng khi lần đầu được tận tay làm thử món ăn nổi tiếng của VN.

fmB4Cht6.jpgPhóng to
Cô Lindsay Erdman (đứng) trong lớp dạy vẽ tại Q.10, TP.HCM - Ảnh: Ngọc Đông

11g trưa, tiếng xào nấu rộn rã, tiếng người cười nói, mùi thức ăn thơm nồng... là quang cảnh thường thấy tại lớp dạy nấu ăn Saigon Cooking Class, lớp học đặc biệt chuyên dạy món Việt cho người nước ngoài, nằm trong một con hẻm ngay trung tâm Q.1, TP.HCM.

Dân Pháp dạy món Việt

Ra đời năm 2009, Saigon Cooking Class là tâm huyết của cô Ilda Briosca, người Pháp. Đến sống ở VN gần bảy năm, Ilda bén duyên với nghệ thuật ẩm thực của đất nước miền nhiệt đới này từ năm 2008, khi một người bạn mở nhà hàng chuyên phục vụ món Việt, kết hợp công thức thuần Việt truyền thống với những biến tấu hiện đại hơn.

Như được truyền cảm hứng và nhận thấy món ăn Việt rất đặc biệt, Ilda đã tìm đến nhiều nơi để “tầm sư học đạo”, nhưng dường như chẳng nơi nào làm cô hài lòng. Và thế là với niềm đam mê kỳ lạ với ẩm thực Việt, Ilda tự tìm tòi, chọn lọc các phương thức nấu ăn từ những nơi mà mình đã học, mang hết vào lớp nấu ăn do chính mình sáng lập.

“Tôi mở lớp dạy nấu ăn vì muốn mang đến cho mọi người điều mà bản thân tôi muốn được khám phá. Tất cả những gì tôi học được về ẩm thực Việt, từ những hàng quán ở chợ, vỉa hè, hay từ những nơi mà tôi có thể tìm hiểu, tất cả những gì làm tôi yêu thức ăn VN, tôi gói vào trong lớp học của mình. Tôi mong muốn khách du lịch và người nước ngoài sinh sống ở VN có thể khám phá được những điều hay mà tôi đã khám phá được từ đất nước này” - cô Ilda chia sẻ thật lòng. Nhưng hơn hết thảy, Saigon Cooking Class không đơn thuần chỉ là nơi để học làm thức ăn, đó còn là nơi mọi người đến để thư giãn, gặp gỡ, chia sẻ và giết thời gian. Có những học viên thừa nhận chẳng bao giờ nấu ăn ở nhà.

O4D18sMb.jpgPhóng to
Cô Ilda Briosca (trái) hướng dẫn học viên làm món bánh xèo tại một buổi học của Saigon Cooking Class - Ảnh: Ngọc Đông

Học viên của Saigon Cooking Class hầu hết là người nước ngoài, phần lớn từ Úc và Mỹ, các nước châu Âu, Philippines, biết đến lớp học từ những thông tin truyền tai. Họ có thể là khách du lịch ngắn ngày hoặc định cư ở VN vì công việc. Không chỉ đơn thuần dạy nấu ăn, Ilda còn kết hợp buổi học nấu ăn với tour tham quan chợ, nơi học viên có thể tìm hiểu về văn hóa và truyền thống địa phương một cách chân thực nhất, đồng thời chọn những nguyên liệu tươi ngon cho phần thực hành của mình.

Thực đơn thường gặp cho mỗi buổi học kéo dài khoảng nửa ngày của Saigon Cooking Class là các món đậm chất miền Nam như bánh xèo, bò lá lốt và bún thịt nướng, bên cạnh món phở nổi tiếng vốn đã được bạn bè quốc tế biết đến.

“Cách bạn ăn sẽ thể hiện cuộc sống của bạn. Đây là cách tuyệt vời để khám phá một nền văn hóa. Đâu chỉ riêng VN, nơi nào cũng thế. Ẩm thực ở nhiều nơi trên thế giới đều có ý nghĩa quan trọng đối với nền văn hóa của họ” - Ilda kết luận.

Mong du khách nhớ VN theo cách khác

Cùng suy nghĩ trên, ông Tomizawa Mamoru đã lập ra Trung tâm Overland Club (Q.1, TP.HCM) để dạy món Việt và duy trì hoạt động nhiều năm qua. “Ẩm thực Việt là điều gì đó rất đặc biệt với tôi. Kể từ lần đầu được thưởng thức, tôi đã thật sự rung động” - người đàn ông Nhật tuổi trung niên kể về thời điểm ông chọn VN để lập nghiệp, khi ông đến đất nước này năm 1995 sau một trận động đất kinh hoàng ở Kobe.

"Học cách nấu các món đặc sản địa phương là một trong những cách tốt nhất khiến du khách có thể nhớ về VN, đồng thời hiểu thêm về đất nước này"

Ông Tomizawa Mamoru

Trước khi mở Overland Club, Tomizawa đã hợp tác với người bạn để điều hành một công ty du lịch, cung cấp tour đi nhiều nước. Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy khi đến một đất nước, được tìm hiểu và học hỏi điều gì đó sẽ hay hơn nhiều so với chỉ tham quan các danh lam thắng cảnh địa phương và mua đồ lưu niệm. Vậy là Overland Club ra đời với mong muốn mang đến cho du khách một điều gì đáng nhớ hơn, so với việc chỉ đơn giản là mua thứ gì đó mang về nhà.

hjFeK3EP.jpgPhóng to
Thầy Tomizawa Mamoru hướng dẫn học viên làm đồ gốm - Ảnh: Ngọc Đông

Không chỉ dạy nấu ăn, Overland Club còn có các lớp dạy làm gốm. Trong một chuyến đi Hà Nội và ghé thăm làng gốm Bát Tràng, Tomizawa đã “phải lòng” nghề cổ truyền này và quyết tâm ở lại Bát Tràng học cho bằng được cách làm gốm VN và mở lớp dạy sau khi trở lại TP.HCM.

Ilda, Tomizawa và Lindsay đều cho biết họ không có ý định mở rộng các cơ sở của mình, và chia sẻ rằng điều làm họ hài lòng nhất là nhìn thấy học viên vui vẻ với các lớp học. Điểm chung của các lớp học này là số lượng học viên chỉ khoảng 10 người, nhằm đảm bảo chất lượng.

Ông thầy Tomizawa vẫn nhớ như in cảm giác khi làm được chiếc cốc đầu tiên. “Đó là chiếc cốc tôi làm được từ chính đôi tay của mình. Thời điểm đó, khi mới đến VN, tôi cảm thấy rất cô đơn, không gia đình, không bạn bè, nhưng việc tự tay làm ra những thứ nhỏ nhắn như thế làm tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Sau đó, tôi quyết định tiếp tục công việc này vì nó có thể mang đến hạnh phúc cho nhiều người như tôi - Tomizawa kể lại - Tôi không mơ về việc có một trung tâm thật lớn, điều tôi quan tâm là nâng cao chất lượng các lớp học của mình”.

Cô Gayle Bridge, đến từ New Zealand và đã sống ở VN bảy năm, thường xuyên đến với Overland Club từ nhiều năm qua, nhận xét: “Tôi thích đến đây vì tôi có thể nói chuyện với thầy Tomizawa và làm được nhiều thứ sáng tạo với đất sét”. Dường như đó cũng là lý do của nhiều học viên khác: được gặp gỡ, được sáng tạo.

Nhớ nhất hoa sen

Trong khi đó, nữ họa sĩ Lindsay Erdman đến từ Canada, đã sống ở VN ba năm nay, chọn thế mạnh của cô - hội họa - để góp phần quảng bá văn hóa Việt.

Đến với không gian nghệ thuật nhỏ của cô, Art Retreat in Saigon, nằm trong một con hẻm yên tĩnh ở trung tâm Q.10, nơi cô thường tổ chức những lớp học hội họa ngắn ngày, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy một không gian rất thuần Việt từ những chiếc nón lá treo trên tường, những chậu hoa sen trang trí trên bàn, và nhiều loại cây trái hoa cảnh rất VN như khế, cóc, ổi...

Trong các buổi dạy học của Lindsay thường xuất hiện hình ảnh của những đóa sen, đèn lồng Hội An hay vịnh Hạ Long, mà theo nữ họa sĩ là chủ đề thú vị cho những buổi học tranh màu nước trên lụa của mình.

“Tôi biết nhiều du khách và người nước ngoài sống tại VN rất muốn có những hoạt động sáng tạo cho họ tham gia. Tôi rất vui khi thấy học viên của tôi sẽ mang theo một ít “VN” trên những bức tranh mà họ đã vẽ ở đây về nhà” - cô chia sẻ.

Lindsay cho biết cô luôn muốn tìm hiểu nhiều loại hình hội họa khác nhau, và đã bị cuốn hút bởi tranh màu nước trên lụa khi đến VN. Kể từ đó, loại tranh này xuất hiện thường xuyên trong các buổi học của cô, như một cách để mang thêm một nét văn hóa Việt đến với các học viên quốc tế.

Lindsay hi vọng học viên của cô sẽ có được những khoảng thời gian yên bình khi họ đến với lớp của cô, cũng như có những trải nghiệm sáng tạo thú vị tại VN. “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mình có thể chia sẻ niềm hạnh phúc hội họa với nhiều người” - cô nói.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên