05/03/2024 09:33 GMT+7

Ai mới có 'nồng độ cồn nội sinh'?

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - trả lời bạn đọc về vấn đề này.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Ảnh: DANH KHANG

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Ảnh: DANH KHANG

* Theo bác sĩ, có thể hiểu sao về nồng độ cồn nội sinh? Ai dễ có nồng độ cồn nội sinh?

- Trong trường hợp cơ thể không tiếp xúc, ăn uống các thực phẩm có cồn nhưng khi xét nghiệm hay thổi nồng độ cồn vẫn dương tính có thể gọi là những trường hợp cồn nội sinh do cơ thể tự có.

Tuy nhiên, phải khẳng định rõ ràng trường hợp có cồn nội sinh là những người bị bệnh, những người khỏe mạnh không có hiện tượng này. Cồn nội sinh là những người trong hệ tiêu hóa chứa vi khuẩn đặc biệt, một số loại nấm men và có mặt ở niêm mạc của cơ thể.

Hoặc những người cấu trúc đường tiêu hóa có vấn đề, mắc các bệnh lý như bệnh lý về tiêu hóa, đường mật, loạn khuẩn ở đường tiêu hóa; các bệnh lý về xơ gan, đái tháo đường, người bệnh gặp các vấn đề chuyển hóa, và rất nhiều những bệnh khác nữa cũng có thể gây ra cồn nội sinh.

Tuy nhiên, tỉ lệ người mắc bệnh này rất ít, tỉ lệ cực hiếm.

Hiện bệnh viện cũng có thể kiểm tra hiện tượng nồng độ cồn nội sinh để "bào chữa" cho một số trường hợp khẳng định không uống rượu bia nhưng vẫn có nồng độ cồn. 

Các bác sĩ sẽ đo đạc bằng cách test carbonhydrat, tức là sẽ cho uống một lượng gluco nhất định, sau đó định lượng lại nồng độ cồn trong máu theo khoảng thời gian nhất định.

Nếu kết quả thấy nồng độ cồn xuất hiện và tăng lên thì đó rất có thể là hiện tượng cồn nội sinh. Ngược lại, nếu không xuất hiện nồng độ cồn qua bài test sẽ không phải là trường hợp có nồng độ cồn nội sinh.

* Vậy nồng độ cồn bao nhiêu sẽ gây hại cho sức khỏe và ảnh hưởng đến việc lái xe?

- Về tác hại của thức uống này, chúng ta cần hiểu rõ rượu hay ethanol được coi là chất ức chế đến hệ thần kinh. Ngay ở thời điểm uống rượu bia với lượng lớn hay nhỏ đều có thể gây kích thích, hưng phấn, gây thoát ức chế.

Nếu uống ít thì có thể chỉ tạo kích thích thấp. Nhưng khi uống nhiều sẽ khiến hiện tượng kích thích và thoát ức chế, bộc lộ toàn bộ những cái mong muốn, những cái hành vi, những suy nghĩ kìm nén. Cũng có thể dẫn tới nguy cơ không chỉ gây tai nạn giao thông, phóng nhanh vượt ẩu mà còn có thể gây các xung đột, gây rối loạn các vấn đề khác về trật tự xã hội.

Chúng ta phải hiểu rằng kể cả nồng độ cồn ethanol trong máu ở nồng độ thấp cũng gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe và các nghiên cứu trên thế giới cũng đã có chứng minh rõ ràng điều như vậy.

Vì vậy, chỉ cần phát hiện nồng độ cồn trong máu cho dương tính là chúng ta đã không nên tham gia giao thông.

Thực tế, nhờ sự quản lý chặt chẽ về xử phạt liên quan đến vi phạm nồng độ cồn trong thời gian vừa qua, trung tâm đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong cộng đồng. Số ca bệnh liên quan đến ngộ độc rượu, lạm dụng rượu tại trung tâm giảm đến 50%.

Vẫn còn rất nhiều bệnh lý, những hậu quả lâu dài do vấn đề lạm dụng sử dụng nhiều rượu bia. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì công việc phòng chống tác hại rượu bia, xử phạt tài xế uống rượu bia thì trong thời gian tới rất nhiều các bệnh tật, những hậu quả lâu dài do sử dụng, lạm dụng rượu bia gây ra cũng sẽ giảm.

* Về đo nồng độ cồn hiện nay, bác sĩ có thể chia sẻ quy định như thế nào cho phù hợp?

- Hiện nay, đất nước chúng ta đang trong giai đoạn phát triển, có rất nhiều việc chúng ta phải làm, cần có thêm những nghiên cứu khoa học về quy định nồng độ cồn. Trước hết, với quy định về nồng độ cồn hiện nay bản thân người tham gia giao thông phải ý thức được việc mình đưa đồ uống, đồ ăn có cồn vào cơ thể sẽ đối diện với nguy cơ phát hiện nồng độ cồn trong cơ thể.

Việc không uống rượu bia vẫn có nồng độ cồn chỉ xảy ra với tỉ lệ rất nhỏ. Vì vậy, người dân không cần quá lo lắng.

Nếu bạn ăn hải sản hấp bia thì phải ăn với lượng lớn, ăn nhiều mới có thể lên được nồng độ cồn. Hoặc nếu bạn có nồng độ cồn nội sinh có thể nhờ đến các xét nghiệm y học để chứng minh.

Khi đã có quy định rõ ràng nghiêm ngặt về nồng độ cồn, tất cả các sản phẩm không phải rượu bia, hoa quả lên men... thì những loại thực phẩm, thuốc có chứa ethanol cũng cần được ghi nhãn dán đầy đủ để người dân biết được, lựa chọn sản phẩm và phòng tránh nguy cơ có nồng độ cồn trong cơ thể.

Nhiều người cho rằng dù không uống rượu bia nhưng qua ăn uống, hệ tiêu hóa vẫn sinh ra nồng độ cồn nội sinh trong cơ thể. Thực sự có phải ai cũng có nồng độ cồn nội sinh hay ai có nguy cơ cao sinh ra nồng độ cồn tự nhiên?

Uống nhiều rượu bia có hại cho sức khỏe

Bác sĩ Nguyên cho biết theo khuyến cáo của y tế, một người nam giới không nên uống quá 20gram ethanol, tương đương với khoảng 50cc rượu mạnh 50 độ một ngày và nữ giới có thể uống bằng một nửa nam giới. Uống nhiều hơn sẽ gây hại cho sức khỏe.

Như vậy, sau giờ làm việc chúng ta có thể uống liều lượng vừa phải. Có thể kết thúc bữa tiệc trước 12h đêm, như vậy ít nhất sẽ có 6 tiếng để nghỉ ngơi, quay trở lại làm việc vào ngày hôm sau và đảm bảo mình không có nồng độ cồn. Trong bối cảnh quy định của pháp luật, người dân cần tuân thủ đúng.

Một chuyên gia dinh dưỡng tại TP.HCM cho biết nồng độ cồn nội sinh hay gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường, do nồng độ ketones trong máu tăng nên hơi thở của họ xuất hiện nồng độ cồn. Với những người có sức khỏe bình thường, ăn uống những thực phẩm hằng ngày (không uống rượu bia) thì không đến mức tạo ra nồng độ cồn trong cơ thể và đo được qua hơi thở.

Sớm quy định rõ nồng độ cồn nội sinh để không bị bảo hiểm từ chối oanSớm quy định rõ nồng độ cồn nội sinh để không bị bảo hiểm từ chối oan

"Công ty bảo hiểm dựa vào nồng độ cồn bằng 0 để bắt chẹt khách hàng". Bạn đọc phản hồi về chuyện nhiều trường hợp khách hàng gặp tai nạn có tỉ lệ rất nhỏ nồng độ cồn 'nội sinh' trong cơ thể, nên bị bên bảo hiểm từ chối bồi thường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên