16/03/2014 13:24 GMT+7

Tưng bừng lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc

HOÀI VŨ
HOÀI VŨ

TTO - Là ngày hội dân gian truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đậm chất tín ngưỡng của ngư dân vùng biển, năm nay lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc diễn ra trong 4 ngày - 13, 14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch (13 đến 16-3).

mxMxcPcJ.jpgPhóng to
Lăng Ông Nam Hải tại thị trấn Sông Đốc - Ảnh: Hoài Vũ

Trong ngày lễ chính (rằm tháng 2), hàng mấy trăm tàu đánh cá, tàu vận tải, tàu buôn cùng ghe thuyền bắt đầu kéo đến neo đậu, chen kín cả một khúc sông. Trên bờ, khắp các nẻo đường đều đông nghẹt người đi dự lễ khiến không khí ngày hội trở nên náo nức.

Thị trấn Sông Đốc là nơi gần cửa biển, đa số bà con đều sống bằng nghề đánh bắt nên họ rất tin tưởng, coi cá Ông như một vị thần linh có công cứu độ thuyền bè, giúp nhiều người thoát nạn, tạo cho bà con vùng ven biển nhiều ấn tượng và nhiều tình cảm sâu sắc đối với “Nam Hải đại tướng quân”.

Riêng tại Sông Đốc, vào năm 1925, sau khi hay tin cá Ông lụy ở Vàm Xáng, bà con ngư dân đã họp bàn cất miếu và thỉnh cốt Ông về thờ, sau đó các cụ mới tìm địa thế thuận lợi để xây lăng theo kiểu đình, miếu cổ xưa. Qua nhiều lần di dời và tôn tạo, hiện nay lăng tọa lạc tại khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, hằng năm nhân dân đều long trọng tổ chức lễ hội nghinh Ông để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy ghe đầy tàu.

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một ngày hội dân gian truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đậm chất tín ngưỡng của ngư dân vùng biển. Trong lễ Nghinh Ông, đi đầu là lân, trống, tiếp theo là Long Đình, chánh chủ, chánh vạn, đại biểu các chức sắc, học trò lễ, đội cung nữ, phi tần và bà con nhân dân xếp thành hàng từ từ tiến về bến cảng.

Khi đến cầu cảng Sông Đốc, chủ lễ trực tiếp rước lư hương lên ghe lớn. Cùng lúc ấy, hàng trăm ghe tàu đánh cá và các loại ghe khác cũng đang sẵn sàng hộ tống ra khơi.

Đoàn tàu, thuyền từ từ rời bến hướng về cửa biển và thẳng tiến ra khơi trong khí thế tưng bừng, sắc màu rực rỡ. Tàu từ từ tiến ra khơi khoảng 10km thì ban chánh chủ mới làm lễ xin lịnh Ông. Xong đoàn ghe mới quay về lăng tiếp tục tế lễ.

Toàn bộ nghi thức cúng tế đều nói lên sự tôn kính vị “phúc thần Nam Hải” nhằm thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa con người với vị “ân ngư”.

Bà con ngư dân Sông Đốc luôn sát cánh bên nhau tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành ngư nghiệp Cà Mau, cùng với sự ngưỡng vọng về tâm linh mà con người muốn vươn tới để tạo thêm niềm tin và sức mạnh trong cuộc sống biển cả đầy khắc nghiệt.

1x2BNGII.jpgPhóng to
Học trò lễ và các cung nữ tế lễ tại chánh điện lăng Ông - Ảnh: H.Vũ
4kzQZIr2.jpgPhóng to
Các vị chức sắc chuẩn bị rước Long Đình ra bến tàu để nghinh Ông ra khơi - Ảnh: H.Vũ
Kw6Eigul.jpgPhóng to
Chiếc tàu chính chở Long Đình, cờ hoa lộng lẫy đang từ từ ra khơi - Ảnh: H.Vũ
gM86uArR.jpgPhóng to
Đoàn tàu hộ tống chiếc tàu chở Long Đình ra khơi - Ảnh: H.Vũ
HOÀI VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên