06/02/2024 15:25 GMT+7

6 đặc trưng của Tết Việt

Phong tục, giá trị của Tết xưa nay phai nhạt. Nhiều người tiếc nuối, ngậm ngùi nhưng cũng không ít người nghĩ "điều quan trọng nhất không phải ở lễ nghi mà là sự bình an trong tâm hồn".

Bạn trẻ chụp ảnh với linh vật rồng tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - Ảnh: NGỌC LÂN

Bạn trẻ chụp ảnh với linh vật rồng tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - Ảnh: NGỌC LÂN

Bởi Tết thể hiện ước nguyện no đủ của con người nên xưa cái gì ngon nhất, tốt nhất đều để dành cho Tết. Các cụ đã đúc kết thành câu nói "Đói quanh năm, no ba ngày Tết".

Một đêm cuối năm Quý Mão, giữa căn phòng ở phố cổ trang hoàng như một phòng khách ngày Tết của một gia đình Hà Nội xưa, trong tiết lập xuân mưa phùn giăng mắc rất Tết Hà Nội, câu chuyện Tết xưa Tết nay giữa người làng người phố, người Nam người Bắc, người già người trẻ gợi thật nhiều niềm thương mến lẫn suy tư.

6 hằng số của Tết xưa

PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) - chuyên gia nghiên cứu sâu về làng xã Bắc Bộ, tác giả bộ Bách khoa toàn thư làng Việt cổ truyền vừa được trao giải B Giải thưởng sách quốc gia - đã có những nghiên cứu về Tết cổ truyền Bắc Bộ và rút ra sáu đặc trưng mang tính hằng số của Tết Việt.

Đây là những đặc trưng ít biến đổi qua năm tháng, bất kể thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh...

Tết là sự làm mới. Chuẩn bị đón Tết, nhà nhà tổng vệ sinh, trang hoàng lại nhà cửa, làng, phố. Và người cũng có áo mới.

Xưa hầu như chỉ Tết người ta mới có quần áo mới. Trong xúng xính áo quần còn thơm mùi vải mới, mặt mọi người, nhất là trẻ con, ai cũng rạng ngời niềm vui.

Tết là sự đoàn viên, sum vầy. Mọi người, mọi nhà sum họp, đi chúc Tết nhau. Tết xưa, ai đó đi làm ăn xa, vì lý do đặc biệt không thể về quê thì rất ngậm ngùi, trống vắng. Nhà ai có người không về ăn Tết được thì cả nhà mang nỗi canh cánh trong lòng.

Tết xưa là thể hiện khát vọng no đủ. Ngày xưa cuộc sống khó khăn, lương thực thực phẩm khan hiếm.

Ông Đính còn nhớ thời nhỏ mỗi hạt cơm phải cõng thêm nhiều ngô khoai.

Nên trẻ con người lớn chỉ mong đến Tết để có vài ngày không phải ăn cơm độn, lại còn được ăn nhiều món ngon mà chỉ ngày Tết mới có như bánh chưng, giò chả, thịt đông...

Tết là sự tri ân. Tết là dịp để con cái thể hiện sự tri ân với ông bà cha mẹ, học trò tri ân với thầy cô, những người chịu ơn tri ân với người làm ơn, cưu mang mình...

PGS.TS Bùi Xuân Đính kể chuyện Tết xưa

PGS.TS Bùi Xuân Đính kể chuyện Tết xưa

Lòng tri ân bằng hình thức khác nhau, tùy điều kiện cụ thể. Như các cụ ta xưa tri ân bằng một gói mứt, hay gói chè (trà)... thể hiện tấm lòng thành.

Tết xưa là thể hiện sự giữ gìn. Ngày Tết là khởi đầu cho năm mới nên người ta phải hết sức giữ gìn, kiêng cữ.

Ngày Tết, từ lời ăn tiếng nói, hành động, việc làm tránh gây ồn ào, đổ vỡ.

Vợ chồng, bố mẹ ngày thường có bất đồng thì ngày Tết cũng nhu hòa với nhau. Đặc biệt là kiêng nói lời xúi quẩy.

Đặc trưng cuối cùng và rất đặc biệt của Tết Việt ấy là tính khoan dung rất lớn.

Ngày thường người ta có thể mâu thuẫn, xích mích với nhau nhưng ngày Tết lại sẵn sàng xóa bỏ những tị hiềm.

Các gia đình cạnh nhau hoặc chung xóm ngõ ngày thường có thể mâu thuẫn nhưng ngày Tết vẫn đến chúc Tết nhau, không nhắc lại những chuyện không vui mà chỉ chúc những lời tốt đẹp.

Tết xưa là Tết sum vầy gia đình - Ảnh: V.TÀI

Tết xưa là Tết sum vầy gia đình - Ảnh: V.TÀI

Tết nay khác nhiều

Những đặc trưng của Tết xưa dưới áp lực của toàn cầu hóa đang biến đổi nhiều. Trong đó, giá trị tri ân bị lợi dụng để biến thành cơ hội hối lộ. Tục mừng tuổi năm mới cũng biến đổi.

Về tục mừng tuổi, ông Đính nói do xuất phát từ xã hội nông nghiệp, tuổi tác là một giá trị biểu tượng, nên năm mới có thêm tuổi là phải mừng tuổi.

Nhưng người Việt xưa đa số là nông dân nghèo, mừng tuổi ở đây chỉ là các cụ lớn tuổi trong nhà vỗ vai, xoa đầu con cháu. Tục phát phong bao lì xì chỉ có ở dân buôn bán hay người Hà Nội, nông dân không có.

Và biến đổi lớn nhất của Tết nay là chuyển từ ăn Tết sang chơi Tết, vui Tết. Điều này giải phóng cho người phụ nữ khỏi căn bếp ngày Tết với những tục lệ bó buộc.

Tuy thế, theo ông Đính, nó cũng khiến nhiều người con bỏ lại cha mẹ mà đi du lịch, ít nhiều gây cảm giác mất mát với những người già.

Đi chợ hoa Hàng Lược là một truyền thống của Tết xưa người Hà Nội  - Ảnh: Vũ Tài

Đi chợ hoa Hàng Lược là một truyền thống của Tết xưa người Hà Nội - Ảnh: Vũ Tài

Về đặc trưng Tết sum họp đang bị phá vỡ, TS Đỗ Quốc Thắng - một người dân phố cổ Hà Nội, cháu nội nhà tư sản dân tộc nổi tiếng Đỗ Đình Thiện - cũng có những chia sẻ tương tự.

Ông bảo Tết xưa là Tết sum họp. Tất cả mọi hoạt động bên ngoài đều được dừng lại, mọi người chạy về hết với gia đình.

Ngày ấy, những ngày Tết nhà thường chật ních, có khi nằm cả dưới đất vì con cháu các nơi tụ về. Tết là dành cho gia đình, rất ấm cúng.

Mọi người chỉ đi chúc Tết họ hàng, người rất thân. Bây giờ thì chỉ gọi điện hỏi thăm nhau, thời gian nghỉ Tết dành để đi du lịch.

Ảnh; VŨ TÀI

Ảnh; VŨ TÀI

Nhà ông Thiện ở phố Hàng Gai. Xưa, khi chuông nhà thờ lớn điểm khoảnh khắc giao thừa, từ ban công nhìn xuống, phố xá vắng tanh, hầu như không có người ra đường, chỉ lác đác người già đi lễ chùa, hái lộc.

Tết xưa, giao thừa là tất cả con cháu trong nhà đứng trước bàn thờ để lễ tổ tiên và chúc Tết người già, lì xì con trẻ. Giờ thì khác hẳn. Giao thừa người ta nhao ra đường, đổ về bờ hồ xem pháo hoa khiến phố Hàng Gai nhà ông Thắng chật ních người.

Ông Thắng còn nhớ khoảng 50-60 năm trước, Hà Nội như một cái làng, mọi người quan hệ gần gũi, người các phố có khi biết nhau cả.

Tết xưa đời sống vật chất khó khăn, để có cái Tết no đủ có khi phải chuẩn bị ba bốn tháng, từ tí gạo nếp, tí đậu xanh hay nuôi con gà, nhưng rất nhiều tình cảm.

Nay thì rất khác, dù nhiều gia đình người Hà Nội, như gia đình ông Thắng, vẫn cố giữ những truyền thống Tết xưa "được lúc nào hay lúc đó".

Gia đình cùng gói bánh chưng là nét đẹp ngày Tết được giữ gìn - Ảnh: VŨ TÀI

Gia đình cùng gói bánh chưng là nét đẹp ngày Tết được giữ gìn - Ảnh: VŨ TÀI

Khác biệt Tết Nam - Tết Bắc

Ông Đính nói vì thời tiết hai miền khác nhau kéo theo nhiều cái khác về thú chơi cây cảnh, về ẩm thực...

Ngoài Bắc chơi đào còn người Nam chơi mai, miền Bắc có món thịt đông nhưng miền Nam thì không. Người Nam ăn bánh tét dài còn người Bắc phần lớn là bánh chưng vuông.

Mâm ngũ quả hai miền cũng khác. Người Nam không bao giờ bày chuối trên mâm ngũ quả Tết, nhưng người Bắc thì buộc phải có nải chuối xanh.

Tập tục ngày Tết cũng có nhiều khác biệt giữa hai miền. Trong Nam người buôn bán hầu như không có tục mở hàng đầu năm mới vì họ bán buôn quanh năm, nhưng người Bắc thì rất chú trọng, phải chọn ngày lành tháng tốt mới mở hàng năm mới...

Trúc Đồng - người Nam, sống tại TP.HCM nhưng lại đặc biệt yêu thích văn hóa cổ truyền của Bắc Bộ. Nói về Tết Nam - Tết Bắc, Trúc Đồng bảo: "Tết Nam khá vội vàng, không thong dong như ở Bắc. Nhưng điều quan trọng nhất trong những ngày Tết không phải ở lễ nghi mà là sự bình an trong tâm hồn".

Gói Tết vào Phong vị TếtGói Tết vào Phong vị Tết

Những phong tục, thú chơi, hương vị… ngày Tết được gói gọn trong quyển sách 'Phong vị Tết - Tâm hồn Việt' của tác giả Nguyễn Hiếu Tín.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên