2 bộ óc đối đầu, và 1 Trái đất phân rẽ

LÊ MY 21/05/2024 15:10 GMT+7

TTCT - Vào thế kỷ 18, có hai người đàn ông đã dành cả cuộc đời cho cùng một nhiệm vụ khó khăn: phân loại mọi sự sống trên Trái đất. Cuộc đua giữa họ vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay.

Carl Linnaeus (phải) và Georges-Louis Leclerc, Comte de Buffon (trái). Ảnh: Getty Images

Carl Linnaeus (phải) và Georges-Louis Leclerc, Comte de Buffon (trái). Ảnh: Getty Images

Carl Linnaeus (1707-1778), một nhà sinh vật học và bác sĩ sùng đạo người Thụy Điển, tin rằng sự sống thuộc về những phạm trù tĩnh tại, ngăn nắp. Georges-Louis Leclerc, hay Bá tước Buffon (1707-1788), một nhà toán học và nhà tự nhiên học người Pháp, nhìn nhận sự sống như một vòng xoáy không ngừng vận động của những điều phức tạp.

Họ chưa từng gặp nhau, dù đến giữa thế kỷ 18, cả hai đều nổi tiếng và bất đồng ý kiến. Đó là một cuộc đối đầu mà Buffon dường như là người chiến thắng. Di sản họ để lại cho hậu thế cũng mang những số phận rất khác.

Năm 1754, giáo sư Linnaeus yêu cầu một trong các "học trò tận tụy" của mình ở Đại học Uppsala (Thụy Điển) tham gia chuyến hải trình đầy nguy hiểm từ Thụy Điển đến Suriname, để thu thập mẫu thực vật. Nhiều tháng trôi qua, người "tông đồ" (một từ vựng rất kêu khác của vị giáo sư) sống sót trở về, nhưng anh ta từ chối giao nộp kết quả cho thầy.

Linnaeus bèn đến nhà tìm Daniel Rolander. Thấy học trò đi vắng, ông đập vỡ cửa sổ, đột nhập và cứ thế lấy đi cái ông cần. Sau đó, ông sa thải Rolander, từ chối bồi thường, và cố tình đặt tên khoa học cho một loài bọ cực nhỏ là Aphanus rolandi. (Nhân tiện, aphanus có nghĩa là vô danh).

Nếu mẩu chuyện trên về Linnaeus khiến bạn đọc nhận xét "cha đẻ của ngành phân loại học" - như cách người ta vinh danh Carl Linnaeus sau này - là một người xấu tính, thì tác giả Jason Roberts đã thành công. Cuốn sách gần đây của ông, Every Living Thing (4-2024), trình bày những "drama" chính trị và khoa học đã rập khuôn cách chúng ta định nghĩa về sự sống trên Trái đất ra sao.

2 bộ óc đối đầu, và 1 Trái đất phân rẽ- Ảnh 2.

Trong Systema Naturae (Hệ thống tự nhiên, xuất bản lần đầu năm 1735), Linnaeus đã chỉ định vị trí cho mọi sinh vật sống thông qua 2 công cụ quan trọng. 

Một là hệ thống gồm 7 bậc phân loại sinh học mà phần lớn chúng ta được dạy ở trung học cơ sở - giới, ngành, lớp, bộ, họ, chi, loài. Hai là cách đặt tên khoa học cho mỗi loài: Danh pháp hai phần = (Tên chi + tên loài) bằng tiếng Latin, ví dụ Homo sapiens, tức loài người tinh khôn chúng ta. 

Trước hơn 320 loài hoa hồng, hệ thống của Linnaeus sẽ cho phép bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, biết chính xác loài hoa hồng nào đang được nhắc tên.

Mang tính logic và trật tự vào khoa học, nhưng những chỉ dẫn của ông lại dựa trên một thế giới quan chứa đầy thành kiến. Nhận thấy các loài, bao gồm cả con người, cần phải được xếp hạng theo các giá trị châu Âu, Linnaeus phân loại luôn chủng tộc con người. 

Ông xếp người châu Âu da trắng ở hàng đầu - Homo sapiens Europaeus có tóc vàng, mắt xanh, "lịch lãm, sắc sảo, sáng tạo". Ngược lại, Homo sapiens Afer thì đen tối và, theo định nghĩa của Linnaeus, "chậm chạp, ranh mãnh, bất cẩn"; Homo sapiens Americanus có làn da đỏ và nóng tính. Rõ ràng Linnaeus tin rằng ông đang phơi bày một trật tự bất biến do Chúa tạo ra.

Buffon bác bỏ tất cả! Ông viết vào năm 1758: "Những khác biệt chỉ đơn thuần là vẻ bề ngoài". Ông nhấn mạnh rằng sinh vật sống có khả năng thích nghi và được định hình bởi môi trường. Ví dụ, ông gợi ý rằng một quần thể nhợt nhạt, nếu được vận chuyển đến khu xích đạo, có thể sẽ phát triển làn da sẫm màu qua nhiều thế hệ.

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông cho sinh học là niềm tin rằng các hiện tượng tự nhiên phải được giải thích bằng các quy luật tự nhiên, chứ không phải bằng phép màu. Thậm chí, Buffon dám cho rằng loài người và loài vượn có họ hàng với nhau, và tất thảy sự sống đều có cùng một tổ tiên duy nhất.

Trong hai người họ, thế giới ngày nay biết đến Linnaeus nhiều hơn. Nhưng thời bấy giờ, Buffon lại nổi tiếng hơn với tư cách là một học giả, lý thuyết gia và tác giả xuất sắc. 

Bộ sách gồm 36 tập đồ sộ kèm hình ảnh minh họa, Histoire Naturelle (Lịch sử tự nhiên), được ông xuất bản từ năm 1749 đến cuối đời, đã xếp Buffon ngang hàng với triết gia Voltaire và Jean-Jacques Rousseau, đưa ông trở thành tác giả sách phi hư cấu nổi tiếng nhất của thời đại đó. Chỉ riêng tập thứ tư đã dành 544 trang viết về ba con vật: ngựa, lừa và bò.

Nhìn chung, như Roberts của thời nay nhận xét, Buffon tin rằng chúng ta nên tôn vinh các sinh vật sống, hơn là xếp chúng vào các hạng mục nhân tạo. Charles Darwin, "cha đẻ" của thuyết tiến hóa, sau này thừa nhận những ý tưởng của Buffon ra đời hơn một thế kỷ trước đó là "giống (ý tưởng) của tôi đến buồn cười".

Khi Buffon qua đời, có đến 20.000 người đưa tang, trong khi đó Linnaeus đã ra đi gần như trong sự quên lãng. Nhưng lòng nhiệt thành chống đối quý tộc của Cách mạng Pháp (1789 - 1799) đã thật sự giết chết cái tên "Buffon". 

Còn hệ thống phân loại sinh vật của Linnaeus - vô tình rất thuận tiện cho thực dân châu Âu - vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận