Vàng nhảy múa và điệu tango chính sách

HỒ QUỐC TUẤN 20/05/2024 17:05 GMT+7

TTCT - Ngày 10-5, giá vàng miếng SJC trong nước vượt 92 triệu đồng/lượng, còn giá vàng quốc tế trong tháng 5 vẫn đang dao động gần mốc 2.400 đô la/ounce, cũng là mức đỉnh lịch sử.

Đã xuất hiện những dự báo cho rằng giá vàng miếng SJC trong nước có thể vượt 100 triệu đồng/lượng. Vì đâu có những dự báo đó?

Ảnh: Getty

Ảnh: Getty

Đầu tiên vẫn phải là tham chiếu giá quốc tế. Đã có những dự báo rằng giá vàng sẽ vượt qua mốc 3.000 đô la/ounce trong vòng 6-18 tháng tới, ví dụ như dự báo của Ngân hàng Citi của Mỹ hồi giữa tháng 4. 

Thứ hai, đang tồn tại mức chênh lệch giá khá lớn giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế quy đổi, chênh lệch ước tính hiện lên tới khoảng 17 triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng thế giới tăng lên mốc 3.000 đô la, cộng với mức chênh lệch giá không đổi, thì vàng miếng SJC có thể lên tới 110 triệu đồng/lượng.

Vì những diễn biến phức tạp của thị trường vàng (mà một số phương tiện truyền thông dùng từ "điên loạn"), chính phủ yêu cầu xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. 

Đồng thời chính phủ cũng yêu cầu kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng. Cũng từ đó, nhiều đề xuất được đưa ra như đấu thấu vàng, bỏ độc quyền Nhà nước trong sản xuất vàng miếng, cho nhập vàng...

Vấn đề là phải hiểu rõ nguồn cơn thì mới có cơ sở cho các quyết định chính sách. Trong "vũ điệu của vàng" lần này, như đã nói ở trên, có hai nhịp điệu quan trọng. Một là biến động của giá quốc tế. Hai là sự thu hẹp hay phình to của khoảng chênh lệch giá vàng SJC với giá quốc tế.

Trước tiên hãy nhìn vào biến động của giá vàng quốc tế.

Nhân tố Trung Quốc

Từ cuối năm ngoái tới nay, giới đầu tư vàng quốc tế nhận ra giá vàng bắt đầu thoát ly diễn biến thông thường. Từ 2006 đến 2022, giá vàng thường theo sát diễn biến lãi suất thực của Mỹ, đo bằng lợi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có điều chỉnh lạm phát (Treasury Inflation Protected Securities - TIPS). 

Hiểu nôm na, giá vàng thường tăng khi lợi suất trái phiếu giảm và ngược lại. Điều này là dễ hiểu, vì lãi suất thực cao, thì chi phí cơ hội của việc giữ vàng sẽ cao hơn. Ngoài ra, lãi suất thực cao sẽ kiềm chế lạm phát, khử đi một tác nhân giúp giá vàng tăng. Nhưng từ 2022, diễn biến này đã thay đổi, giá vàng và lãi suất thực của Mỹ đã "đường ai nấy đi".

Nguyên nhân khiến giá vàng "thoát ly" được cho là do vai trò của thị trường dẫn dắt mới: Trung Quốc, thay vì các quỹ đầu tư ở phương Tây. Trước tiên là ngân hàng trung ương Trung Quốc đã liên tục mua vào vàng 18 tháng liên tiếp. 

Lượng vàng ngân hàng này tích trữ tính đến tháng 3 năm nay đã lên đến hơn 72,7 triệu ounce (hơn 2.260 tấn), và về giá trị tăng từ hơn 48,6 tỉ USD lên hơn 61 tỉ USD sau một năm rưỡi.

Để phi đô la hóa dự trữ, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tăng cường tích trữ vàng, nhất là khi thương chiến với Mỹ đang có dấu hiệu quay lại. Hôm 14-5, Nhà Trắng đã thông báo tăng mạnh thuế với nhiều hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, chip máy tính và sản phẩm y tế, trong đó thuế xe điện tăng gấp 4 lần, lên hơn 100%. 

Việc một số tài sản của Nga định giá bằng ngoại tệ đang bị phong tỏa vì chiến tranh Ukraine đã dẫn đến lo ngại của Bắc Kinh về khả năng tương tự với họ trong tương lai.

Ngoài ra, giới phân tích ở Trung Quốc cũng viện dẫn mức nợ công không bền vững của Mỹ. Trong dự báo mới nhất đưa ra trong quý 1 năm nay, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho rằng tỉ lệ nợ của chính phủ liên bang Mỹ so với GDP sẽ tăng từ 97% năm nay lên 116% vào năm 2034, cao hơn cả thời Thế chiến II.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Trung Quốc không phải tác nhân duy nhất. Người dân Trung Quốc cũng đang tích cực đầu tư vàng. 

Năm ngoái, Trung Quốc bỏ xa Ấn Độ khi tiêu thụ vàng trang sức và vàng miếng của họ tăng lên mức kỷ lục: 630 tấn vào năm 2023. Con số này của Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng thứ hai thế giới, là 562 tấn. Đầu tư vào vàng miếng và vàng xu của Trung Quốc đã tăng tới 28%.

Cảm giác cả nước Trung Quốc đang đổ xô đi mua vàng được phản ánh trên nhiều phương tiện truyền thông và các báo cáo phân tích. Điều đáng chú ý ở đây là động thái mua vàng lúc này trái với diễn biến thông thường. 

Thông thường, người ta mua vàng khi sợ lạm phát cao, còn nay Trung Quốc đang đối mặt giảm phát, nhưng người dân lại tích cực mua vàng hơn, và đáng chú ý là giới trẻ - những người trước đây ít quan tâm tới vàng - cũng tham gia.

Giá vàng Việt Nam và câu chuyện nguồn lực

Khi giá vàng quốc tế không ngừng tăng, nhiều người dân ở Việt Nam cũng đổ xô đi mua vàng vì sợ giá càng tăng nữa. Một số người chuộng đầu tư vàng miếng SJC do nó thanh khoản cao và có độ uy tín nhất định. 

Trong khi đó, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường lại hạn chế, dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế, đẩy giá vàng tăng thêm nữa.

Để giải quyết tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng để tăng cung, hạ nhiệt và giảm chênh lệch so với quốc tế. 

Tuy nhiên, các phiên thầu được đánh giá là chưa thành công, khi lượng cung ứng nhỏ, chỉ khoảng 15% tổng mức chào thầu. Giá đấu thầu cũng ở mức cao hơn đáng kể so với thế giới. Kết quả là mức chênh giá vàng trong nước với thế giới vẫn cao.

Để giải quyết tình trạng đó, một số đề xuất cho rằng nên bỏ việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và cấp hạn ngạch nhập vàng cho một số doanh nghiệp "đủ điều kiện". 

Trong một thế giới lý tưởng, chỉ cần Nhà nước cho phép nhập vàng về, gia công thành vàng miếng để bán ra thị trường cho đến khi nào giá bằng giá quốc tế quy đổi thì sẽ xóa được chênh lệch với giá quốc tế và những cơn sốt vàng nhảy múa. 

Tức về lý thuyết, chỉ cần cho nhập và sản xuất ra đủ vàng miếng, thì độc quyền không phải là vấn đề, miễn là cung ứng đủ cho nhu cầu thị trường.

Nhưng đời thực hiếm có khi nào là kịch bản lý tưởng. Nhập vàng về bán đi kèm những rủi ro nhất định với ổn định kinh tế, do mua vàng ở thị trường thế giới thì phải dùng ngoại tệ. 

Mặc dù một số doanh nghiệp cam kết tự cân đối được ngoại tệ để nhập vàng, không cần hỗ trợ từ dự trữ ngoại hối, nhưng ngay cả như vậy vẫn có thể ảnh hưởng đến cung ngoại tệ trên toàn thị trường. Sức ép gia tăng thêm cho tỉ giá nếu cho nhập vàng thoải mái là khó tránh.

Thế lưỡng nan ở đây là nếu chỉ nhập vàng cầm chừng, ở mức không ảnh hưởng quá lớn tới tỉ giá, thì mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cũng sẽ chỉ "cầm chừng". Đấu thầu nửa vời và nhỏ giọt như vừa qua cũng vậy. Nói đến đây, chúng ta đã thấy vấn đề với câu chuyện dẫn dắt giá vàng trong nước là nằm ở hai chữ "nguồn lực".

Nếu chúng ta có ngoại hối dự trữ thoải mái (như Trung Quốc), thì có thể nhập vàng thoải mái với giá gần sát giá thế giới để bán lại trong nước, ai muốn nhập cũng được, cần thì bán dự trữ ra để cân đối tỉ giá. 

Vấn đề là nguồn lực chúng ta có hạn, không thể làm vậy mà không có tính toán. Nếu tính không khéo, để nhập vàng ồ ạt gây ảnh hưởng tới tâm lý tích trữ đô la, thì sức ép và rủi ro tỉ giá sẽ rất nguy hiểm, do đây là điều tác động lớn hơn nhiều đến kinh tế và xã hội, so với vàng.

Kết quả là những đề xuất về vàng như một điệu tango chính sách, lúc tiến, lúc lùi. Hồi tháng 8-2023, nhiều báo đăng "người Việt chán mua vàng" khi giá vàng giảm và không thấy ai quan tâm đến đề xuất nhập hay bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng. 

Nay thì do người dân đổ xô đi mua vàng nên chính sách này được quan tâm lại. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế và địa chính trị thế giới còn nhiều phức tạp, điệu tango với chính sách vàng nhiều khả năng sẽ tiếp diễn, bất kể lựa chọn sắp tới của nhà điều hành có là gì, một khi nguồn lực trong tay họ quá ít ỏi.■

Một số phân tích cho rằng sự tuột dốc của thị trường bất động sản và chứng khoán ở Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong diễn biến giá vàng. Khi những kênh đầu tư khác khó khăn, dòng tiền tích lũy ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đổ xô sang vàng.

Do Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy ra ngoài, các nhà đầu tư trong nước không có nhiều lựa chọn cất giữ tài sản - vàng do đó trở thành lựa chọn sáng lấp lánh. Giá vàng giao dịch trên sàn vàng Thượng Hải thường xuyên chênh lệch cao hơn 1-4% so với giá vàng ở London từ 2021 tới nay, và mức lệch đang ngày một lớn hơn trong năm nay.

Một số quỹ đầu tư vàng của Trung Quốc có mức lệch giá chứng chỉ quỹ so với giá trị tài sản ròng quy đổi lên tới hơn 30% trong năm nay và buộc phải tạm ngừng giao dịch do nhu cầu quá lớn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận