03/05/2024 09:44 GMT+7

Nhành hoa cưới ở hầm De Castries - Kỳ 2: Quân y trong lửa đạn Điện Biên Phủ

Trước giờ nổ súng, hơn 650 giường bệnh đã sẵn sàng. Đây là lần đầu tiên toàn bộ các cơ sở cứu thương đều đào ngầm trong lòng đất.

Nữ quân y tận tình chăm sóc thương binh - Ảnh tư liệu

Nữ quân y tận tình chăm sóc thương binh - Ảnh tư liệu

Đội điều trị của Đại đoàn 308 đặt cách sở chỉ huy của tướng De Castries chỉ vỏn vẹn 5km đường chim bay, ngay trong tầm pháo.

Thử thách chiến trường

17h ngày 13-3-1954, nghe tiếng pháo bắn dồn dập vào trung tâm đề kháng Him Lam, các y bác sĩ biết chiến dịch Điện Biên Phủ đã bắt đầu. Trong đợt một, quân y khá chủ động trong xử trí cấp cứu, hạn chế được thương vong.

Hệ thống quân y được tổ chức bám sát các mũi tiến công - Ảnh tư liệu TTXVN

Hệ thống quân y được tổ chức bám sát các mũi tiến công - Ảnh tư liệu TTXVN

Sang đợt hai, chiến sự trở nên khốc liệt, số thương binh tăng vọt, có thời điểm khó kiểm soát nổi tình hình. Thương binh dồn dập được đưa về theo những con hào hẹp chỉ 1,2m. Mưa Tây Bắc từ tháng 3 dai dẳng, giao thông hào luôn ngập bùn lầy lội nhão nhoét. Mùi người chết, mùi máu tanh quyện trong khói thuốc súng, bom mìn làm không khí ngạt thở.

Thương binh tới nơi thường vào buổi đêm rạng sáng với những vết thương đủ loại, bùn đất lấm lem phủ lên những mạch vỡ, máu chảy ồ ạt, y tá, y sĩ phải bắt tay vào lọc, phân loại, lau rửa vết thương ngay, phải quyết định xử lý quyết đoán trong tích tắc, chuyển về tuyến sau hay mổ tại chỗ - cấp tốc.

Thử thách với một y sĩ trẻ như Ngọc Toản là rất lớn. Toản liên tục được chuyển từ khu Khinh thương - nơi nhận bệnh nhân nhẹ, sơ cứu xong là có thể quay trở lại đơn vị chiến đấu, qua khu Trung thương - nơi cấp cứu xử lý thương binh nặng, phải mổ xẻ trước khi chuyển về tuyến sau, rồi lại đến khu Trọng thương - là nơi điều trị những thương binh thập tử nhất sinh.

Chế độ trực ở các khu trọng thương rất căng. Mỗi đêm phải thắp đèn dầu đi từng lán kiểm tra ba lần vào 21 giờ đêm, 24 giờ đêm và 3 giờ sáng. Căng thẳng nhất là theo dõi những thương binh bị thương sọ não, thấy ai nằm im thì luôn phải kiểm tra xem bệnh nhân đang ngủ hay đã tử vong để có xử trí thích hợp.

Những đêm không mổ, y sĩ, y tá được phân công đi vác gạo. Nhiều đêm vác gạo qua các đồi dốc dựng đứng mới phá trơn như mỡ, ai nấy ngã huỳnh huỵch uỳnh oạp, áo quần lấm lem, bùn văng đầy mặt, đầy tóc. "Những khi ấy chỉ lo bảo vệ sao cho bao gạo không ướt", Toản tự nhủ gian khổ đến mấy mình cũng chịu được.

Bà Ngọc Toản thăm lại di tích hầm quân y mặt trận Điện Biên Phủ tháng 3-2024 - Ảnh: CBV

Bà Ngọc Toản thăm lại di tích hầm quân y mặt trận Điện Biên Phủ tháng 3-2024 - Ảnh: CBV

Băng, bông, thuốc giảm đau thường xuyên cạn kiệt. Thiếu thuốc, dịch truyền, và nhất là máu. Tuy nhiên, bộ đội cũng lấy được một số thuốc men chiến lợi phẩm do máy bay thả dù tiếp tế cho quân Pháp ở Mường Thanh, khi vòng vây dần khép chặt. Hầm điều trị luôn lõng bõng nước. Nước dâng ngập dần từ mắt cá chân, lên đầu gối, có khi ngập tới tận thắt lưng y tá, bác sĩ.

"Nhiều khi chúng tôi đang mổ ở dưới, đại bác nổ ngay trên nóc hầm. Nếu không có hầm, thì khi ấy mình đã là xác pháo" - đến mãi sau này giáo sư bác sĩ Đặng Hiếu Trưng, nguyên chủ nhiệm khoa tai - mũi - họng Bệnh viện Quân y trung ương 108, lúc ấy là đội trưởng đội điều trị Đại đoàn 308 vẫn còn nhớ.

Những chiến sĩ bị thương đều còn rất trẻ. Có người được tiêm gây mê trước mổ, trong giai đoạn lơ mơ vẫn hô mệnh lệnh chiến đấu "Xung phong", "Pháo đâu, bắn vào vị trí X".

Rất nhiều người bị vết thương sọ não, khó chịu nổi quãng đường dài dặc về hậu phương. Cần mổ cấp cứu thương binh nặng ngay tại mặt trận, nhưng phẫu thuật sọ não lúc này còn vượt quá khả năng chiến trường. Sau đợt một chiến dịch, Bộ Tổng tư lệnh điện gấp về trung ương đề nghị đưa những thầy thuốc giỏi nhất ra mặt trận.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng lên mặt trận

Bác sĩ Tôn Thất Tùng đã cố gắng cứu chữa nhiều thương binh ở mặt trận Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu

Bác sĩ Tôn Thất Tùng đã cố gắng cứu chữa nhiều thương binh ở mặt trận Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu

Nhật ký giáo sư Tôn Thất Tùng ngày 23-3-1954 ghi: "Lúc sáng, tôi chỉ nhận được một lá thư. Phải nói đó là một mảnh giấy thiếu sạch sẽ, trong một cái phong bì lộn lại, với mấy câu cho biết phải đi ngay lên mặt trận, và một chữ ký quen thuộc.

Thế là, chiều đến, đợi máy bay "đi ngủ", cùng đoàn mổ xẻ riêng, tôi đáp thuyền nan xuôi dòng sông Lô chảy xiết, vượt qua bao núi xanh, thác bạc để đến đúng giờ ở chỗ hẹn. Chúng tôi biết chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bước vào giai đoạn 2, sau khi chúng ta chiếm hai đồi Độc Lập và Him Lam...".

Đoàn của bác sĩ Vũ Đình Tụng - bộ trưởng Bộ Thương binh, bác sĩ Tôn Thất Tùng - thứ trưởng Bộ Y tế, cố vấn phẫu thuật cho Bộ Tổng tư lệnh, đã trực tiếp mổ cũng như hướng dẫn phẫu thuật cho y bác sĩ trên chiến trường.

Mỗi khi thầy Tùng đến Đội điều trị 2 xử lý bệnh nhân nặng là mọi mệt mỏi tan biến. Toàn đội rộn ràng như ngày hội, ai cũng muốn len vào lán xem thầy mổ. Dưới hầm tối không đủ ánh sáng, khi thầy Tùng mổ, luôn có một người đạp chiếc xe đạp Peugeot đặt bên cạnh để lấy ánh sáng hắt lên từ chiếc đèn dynamo.

"Phát minh" này sau đó được nhiều nơi áp dụng. Thầy hướng dẫn Toản và các học trò xử trí những vết thương nặng và nguy hiểm nhất ở đầu và sọ não.

Giáo sư Tôn Thất Tùng kể lần tìm được tài liệu tổng kết kinh nghiệm mổ xẻ cấp cứu của quân y trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã đọc một tuần liền không màng tới ăn uống. "Nhờ các tài liệu ấy, tôi mới biết giải quyết các vết thương sọ não ở Điện Biên Phủ".

Nhật ký giáo sư Tùng ngày 9-4-1954 ghi: "19h. Tối về mệt quá không ăn hết bát cơm. Mổ não mệt vì luôn luôn phải tiêm thuốc tê, và phải luôn luôn cắt gân xương đầu, mỏi nhức cả mười đầu ngón tay, đau hết cả các bắp thịt. Thương binh lên đến 700 mà chỉ có 6 y sĩ và 20 hộ sĩ, anh em phòng mổ ai cũng mệt bã người, không ai ăn được cơm". Cũng từ đây, quân y bước đầu có thể triển khai cấp cứu chuyên khoa ngay tại chiến dịch.

Thương binh về nhiều, Toản thường đứng phụ mổ hàng chục đêm liền, dưới chân vô số đỉa vắt bám hút căng máu mà không dám động đậy. Những phút ngơi tay, cô tranh thủ ngủ đứng trong hầm phẫu thuật ngập sũng nước.

Cô thương quá các anh chiến sĩ rất trẻ đang nghiến răng chịu đựng đau đớn, không hề kêu rên. Có chiến sĩ bị thương phải khoét một mắt mà thuốc mê, thuốc tê không còn, y bác sĩ vừa mổ vừa hát vang, động viên tinh thần người bệnh và cả chính mình nữa...

Càng thương các chiến sĩ trẻ, Ngọc Toản càng thắt ruột lo về người yêu đang ở mũi nhọn tuyến đầu.

Hệ thống cứu thương Điện Biên Phủ

Ban quân y chiến dịch đã tổ chức hệ thống cứu thương nhiều tuyến bám sát hướng tấn công của bộ đội.

Hỏa tuyến là tuyến đầu, sát chân hàng rào dây thép gai đồn địch, có nhiệm vụ gấp rút tìm kiếm và gom thương binh, tử sĩ về tuyến 1 là trạm quân y trung đoàn, rồi từ đó chuyển về các tuyến 2 và 3 là các đội điều trị trực thuộc đại đoàn và Cục Quân y để cấp cứu thương binh nặng.

Bộ đội được hướng dẫn tự sơ cứu trong khi chờ nhân viên y tế tới. Yêu cầu của chiến dịch là thương binh sau 30 phút phải được y tá tiếp cận, trong vòng 3 giờ phải về đến đội điều trị trung đoàn và 4 giờ phải tới được đội điều trị tuyến sau với điều kiện kỹ thuật tốt hơn.

Tám đội điều trị của Cục Quân y (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 10) và năm đội điều trị tuyến đầu của các đại đoàn, được bố trí bao quanh tập đoàn cứ điểm, mỗi đội có khoảng 100 nhân viên y tế cùng 300 - 400 dân công. Sinh viên trường y ra chiến trường được trưng dụng như lực lượng chủ chốt, phụ trách quân y trung đoàn, các đội điều trị đại đoàn.

Hoàn cảnh khốc liệt khiến y bác sĩ trưởng thành rất nhanh. Bác sĩ Phạm Gia Triệu, nguyên đội trưởng Đội điều trị 1, đội chuyên mổ cột sống sọ não, sau này đã chủ biên soạn sách Điều lệ xử trí vết thương chiến tranh, kim chỉ nam cho các bác sĩ quân y trong suốt hai cuộc kháng chiến.

Bác sĩ Triệu cũng trở thành bác sĩ quân y đầu tiên được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967, quân hàm thiếu tướng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI.

---------------

Mấy mươi năm binh nghiệp, ông Cao Văn Khánh luôn có mặt ngoài chiến trường. Yêu xa rồi làm vợ xa chồng, gia sản quý nhất của bà Ngọc Toản đến tuổi 94 hôm nay là hàng ngàn lá thư ông gửi về từ mặt trận...

Kỳ tới: Tình yêu trên chiến trường Điện Biên

Nhành hoa cưới ở hầm De Castries - Kỳ 1: Cô sinh viên vào mặt trậnNhành hoa cưới ở hầm De Castries - Kỳ 1: Cô sinh viên vào mặt trận

Lần nào Ngọc Toản bị bắt, viên cảnh sát cũng lầm bầm không hiểu vì sao cô sinh viên thuộc dòng dõi Tôn Thất lại 'nghe xúi giục'. Cuối cùng, cô bị xếp vào dạng 'không thể giáo dục' và trục xuất khỏi Huế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên